Lần thứ ba Bác Hồ về thăm Ninh Bình (15/3/1958)

Bước vào những năm 1958-1959, nền kinh tế của miền Bắc nói chung và Ninh Bình nói riêng có bước phát triển tiến bộ sau khi đã hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh và cải cách ruộng đất (1954-1957). Tuy nhiên, khi thực hiện kế hoạch 3 năm cải tạo kinh tế và phát triển văn hóa (1958-1960), mặt trận sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Ngay từ đầu năm 1958, nhất là vụ Đông – Xuân (1958-1959), hạn hán diễn ra trên diện rộng ở nhiều tỉnh miền Bắc. Trước tình hình đó, ngày 05/01/1959, Bác Hồ ra lời kêu gọi nông dân và cán bộ quyết tâm chống hạn đẩy mạnh sản xuất vụ Đông-Xuân. Cũng vào thời điểm này, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 63-NQ/TW về đẩy mạnh công tác thủy lợi.
Ở Ninh Bình, hạn hán cũng diễn ra rất nghiêm trọng kéo dài 6 tháng liên tục, trong đó, các huyện Yên Khánh, Yên Mô, Kim Sơn bị hạn nặng. Ngay sau khi thu hoạch xong vụ lúa mùa năm 1958, Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung đẩy mạnh công tác phòng và chống hạn để kịp thời phục vụ sản xuất vụ Đông-Xuân năm 1958-1959. Các cấp ủy, chính quyền trong toàn tỉnh đồng loạt tổ chức nhiều cuộc hội nghị triển khai quán triệt nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác thủy lợi, liên hệ tình hình địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức làm thủy lợi.
Trong lúc Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh đang khẩn trương, tích cực chống hạn cứu lúa và làm thủy lợi, ngày 15/3/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi thăm và kiểm tra công tác chống hạn tại một số tỉnh, trong đó có tỉnh Ninh Bình. Đây là lần thứ ba Bác Hồ về thăm Ninh Bình.

Ảnh: Bác Hồ thăm hỏi và động viên cán bộ, nhân dân xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh tại cánh đồng Chằm, ngày 15/3/1958

Ảnh: Bác Hồ chụp ảnh với các cháu thiếu nhi tại buổi nói chuyện với cán bộ và nhân dân thị xã Ninh Bình

Sáng ngày 15/3/1959, nhân dân xã Khánh Cư (huyện Yên Khánh) đang cùng bộ đội đào con ngòi Chùa Cao để lấy nước từ sông Đáy dẫn vào cánh đồng Chằm thì Bác Hồ nhanh nhẹn bước trên cánh đồng tiến về phía đồng bào đang lao động. Nhân dân vô cùng vui mừng và xúc động vì được tận mắt nhìn thấy Bác, được gặp Bác. Bác ân cần thăm hỏi cán bộ, nhân dân và bộ đội. Bác động viên, khích lệ mọi người hăng hái lao động quên mình chống hạn cứu lúa và căn dặn đồng bào hãy cố gắng làm thuỷ lợi để lấy nước cứu hàng vạn mẫu lúa và cày cấy hết số diện tích còn lại. Trước khi tạm biệt đồng bào, Bác trao cho đồng chí lãnh đạo xã Khánh Cư 5 chiếc Huy hiệu của Người để thưởng cho những cá nhân có thành tích chống hạn xuất sắc.
Trên đường trở về thị xã Ninh Bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh dừng xe xuống thăm bà con nông dân xã Ninh Sơn, huyện Gia Khánh (nay là phường Ninh Sơn thuộc thành phố Ninh Bình) đang tập trung tát nước cứu lúa bị hạn trên cánh đồng ở chân núi Cánh Diều. Người ân cần thăm hỏi động viên cán bộ, nhân dân và khuyên “mọi người ra sức quyết tâm chiến thắng giặc hạn hán”.
Tại thị xã Ninh Bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với hơn 2.000 đại biểu cán bộ và nhân dân trong tỉnh. Sau khi khen ngợi, biểu dương những cố gắng và thành tích chống hạn và sản xuất, nêu rõ khuyết điểm, thiếu sót cần phải khắc phục, Người nói: “Vừa qua tình hình chống hạn tuy có khá hơn nhưng vẫn chưa đủ… Còn hạn là do lãnh đạo tuy có cố gắng nhưng thiếu quyết tâm bền bỉ, thiếu liên tục, từ xã đến huyện, tỉnh, thiếu kế hoạch chung nên tốn công nhiều mà ít kết quả. Khuyết điểm nữa là không chú ý đúng mức đến hoa màu, cây công nghiệp và chăn nuôi”. Bác dặn dò: “Cán bộ phải có quyết tâm chống hạn và quyết tâm phải liên tục, bền bỉ. Biến quyết tâm của cán bộ thành quyết tâm của nhân dân, đoàn kết giúp đỡ nhau… Trong khi chống hạn phải đồng thời có kế hoạch phòng hạn, phòng úng. Cán bộ và nhân dân phải chống những tư tưởng bảo thủ, sợ khó, sợ khổ, ỷ lại. Ruộng có đủ nước, còn cần phải đủ phân thì lúa mới tốt. Mức bình quân 3,6 tấn phân một mẫu tây như ở Ninh Bình là còn ít quá. Phải cố gắng bón nhiều phân hơn nữa. Phải chăm bón tốt và phải phòng sâu, trừ sâu và phòng cúm nữa”. Trước khi dứt lời, Bác nhắc nhở: “Toàn thể đảng viên, đoàn viên, thanh niên phải gương mẫu, tất cả các hợp tác xã và tổ đổi công cũng phải gương mẫu làm đầu tàu, giúp đỡ những người còn làm ăn riêng lẻ. Nhân dân ta đã anh dũng trong kháng chiến, cần phải anh dũng trong sản xuất. Chúng ta phải thắng thiên tai, hạn hán, bão lụt, v.v… để sản xuất ngày càng được nhiều, đem lại hạnh phúc cho nhân dân, đưa nước nhà dần tiến lên chủ nghĩa xã hội”. Cũng tại buổi nói chuyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen ngợi đồng bào xã Khánh An (huyện Yên Khánh) có thành tích xuất sắc làm thủy lợi chống hạn cứu lúa và trao cho đồng chí Bí thư Chi bộ xã Khánh An 5 chiếc Huy hiệu của Người để thưởng cho những cá nhân xuất sắc; đồng thời, trao cho đồng chí Bí thư Tỉnh ủy một số Huy hiệu của Người để làm giải thưởng trong vụ sản xuất Đông – Xuân này.
Thực hiện lời dạy của Bác, ngày 20/3/1959, Tỉnh ủy Ninh Bình ra Chỉ thị về việc “Nghiêm chỉnh quyết tâm thực hiện huấn thị của Hồ Chủ tịch, ra sức chống hạn thực hiện sản xuất Đông – Xuân thắng lợi vượt bậc và toàn diện”; trong đó, nêu rõ những nhiệm vụ cụ thể cần triển khai thực hiện ngay để đảm bảo vụ sản xuất Đông – Xuân đạt kết quả thắng lợi. Tỉnh ủy kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, quân dân trong tỉnh đoàn kết thi đua, tích cực thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lập thành tích xuất sắc chào mừng kỷ niệm ngày sinh của Người.
Cả tỉnh dấy lên phong trào thi đua lao động, sản xuất sôi nổi. Đến cuối tháng 3 đầu tháng 4/1959, hạn hán ở Ninh Bình đã căn bản được thanh toán. Toàn tỉnh cấy được gần 50ha lúa chiêm, tăng gần 10ha so với vụ chiêm năm 1958, đạt 98,27% chỉ tiêu kế hoạch Trung ương giao. Về công tác thủy lợi, trong năm 1959, quân và dân tỉnh Ninh Bình tham gia gần 4,5 triệu ngày công làm thủy lợi, đào đắp được hơn 6,9 triệu m3 đất đá. Có 4/6 huyện hoàn thành vượt mức kế hoạch tỉnh giao. Có 44/125 xã vượt chỉ tiêu 15m3/người; xây dựng được 5.339 công trình thủy lợi lớn nhỏ, trong đó có 2.038 công trình dự trữ nước. Đê biển Cồn Thoi hoàn thành, biến hơn 700ha rừng sú vẹt hoang vu trước đây thành ruộng cấy lúa, trồng cói. Ninh Bình là tỉnh hoàn thành khối lượng đắp đê sớm nhất miền Bắc, là tỉnh đầu tiên hoàn thành vượt mức kế hoạch làm thủy lợi Nhà nước giao.
Không chỉ trong công tác thủy lợi, cuộc vận động xây dựng tổ đổi công, hợp tác xã nông nghiệp cũng đạt được nhiều kết quả to lớn. Đến tháng 10/1959, toàn tỉnh xây dựng được 817 hợp tác xã nông nghiệp với hơn 38.600 hộ nông dân và hàng nghìn tổ đổi công gồm hơn 30.300 hộ nông dân (bằng 78,3% tổng số hộ nông dân trong tỉnh). Nhờ lối làm ăn tập thể, theo quy mô hợp tác xã nông nghiệp bậc thấp, sản xuất nông nghiệp được thúc đẩy phát triển. Năng suất lúa vụ mùa năm 1959 bình quân toàn tỉnh đạt gần 22 tạ/ha, tăng gần 2 tạ/ha so với năm 1958. Điển hình, huyện Yên Mô đạt bình quân năng suất 22,45 tạ/ha. Nhiều hợp tác xã đạt trên 30 tạ/ha. Giá trị ngày công toàn tỉnh đạt 6 – 7kg thóc/công. Nhiều hợp tác xã đạt năng suất trên 10kg/công. Đặc biệt, Hợp tác xã Bình Minh (xã Gia Phú, huyện Gia Viễn) đạt 17kg/công; Hợp tác xã Hồng Phong (xã Khánh Công, huyện Yên Khánh) đạt năng suất 16 kg/công. Thu nhập của xã viên hợp tác xã tăng hơn trước. Đời sống của nhân dân trong tỉnh được cải thiện rõ rệt

Gọi điện thoại
Chat Zalo