Cảnh giác với những thông tin xuyên tạc, bịa đặt liên quan đến việc từ chức, miễn nhiệm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Chưa bao giờ những trang mạng xã hội lại rầm rộ các tin, bài như những ngày gần đây khi Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thôi chức Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII và gần nhất là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCNVN về nghỉ hưu.

Các trang mạng xã hội của các tổ chức, hội nhóm ngoài nước, hãng thông tấn như: Việt Tân, BBC, RFA, RFI, VOA… lợi dụng vụ việc này suy diễn, bôi đen,  xuyên tạc bản chất vấn đề. Họ cho rằng sự việc trên là kết quả của “sự thanh trừng nội bộ”, “đấu đá lẫn nhau”, “tranh giành phe cánh” trước kỳ họp lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ khóa XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cũng liên quan đến nội dung nêu trên, trước đó chính các trang mạng này đã có nhiều bài viết lập luận, tung tin Việt Nam chống tham nhũng bằng cách hô hào khẩu hiệu, hướng lái dư luận: “chỉ là trò đánh trống, khua chiêng nhằm che mắt thế gian”, hay “cộng sản chỉ nói chứ không dám làm”. Đài RFA đăng tải bài viết có nhan đề “Có ai tin câu: Chống tham nhũng ở Việt Nam không có vùng cấm”. Những nhận định nêu trên là xuyên tạc, suy diễn, là sai trái, không có cơ sở. Vì:

Thứ nhất, miễn nhiệm, từ chức là 1 quy định của Đảng, một điểm mới trong công tác cán bộ

         Ngày 3 tháng 11 năm 2021 Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Quy định gồm 4 chương, 12 điều, áp dụng đối với tất cả cán bộ lãnh đạo, quản lý trong toàn hệ thống chính trị. Một trong những điểm nhấn quan trọng thể hiện trong nguyên tắc xem xét miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, đó là: “Cấp uỷ, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu nêu cao trách nhiệm trong việc miễn nhiệm, từ chức”. Đây là chủ trương được cán bộ, đảng viên, nhân dân rất quan tâm và được Bộ Chính trị chỉ đạo quyết liệt.

Tại Hội nghị lần thứ sáu (khóa XIII), lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét, quyết định để cán bộ diện Trung ương quản lý thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII theo chủ trương của Bộ Chính trị tại Quy định số 41-QĐ/TW, ngày 3/11/2021 và Thông báo số 20-TB/TW, ngày 8/9/2022. Theo đó, căn cứ đề nghị của cấp ủy, tổ chức Đảng, ý kiến của các cơ quan chức năng và xem xét nguyện vọng của cán bộ, Trung ương đã thống nhất để Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Bùi Nhật Quang, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan trung ương Huỳnh Tấn Việt thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (Đây là những cán bộ do bị kỷ luật, cảnh cáo, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút). Và cũng áp dụng Quy định 41 Ban Chấp hành Trung ương Đảng biểu quyết, thống nhất để ông Phạm Bình Minh thôi giữ chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII và ông Vũ Đức Đam thôi giữ chức vụ Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII tại kỳ họp bất thường ngày 30/12/2022 và ông Nguyễn Xuân Phúc thôi giữ chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch nước CHXHCNVN  tại cuộc họp bất thường chiều 17/1/2023 mà không cần chờ hết nhiệm kỳ hay thời hạn bổ nhiệm.

Việc cho “thôi chức”, “miễn nhiệm” đối với các cán bộ cấp cao nêu trên là một trong những dấu ấn nổi bật, có tính đột phá khi đánh giá, xem xét cán bộ; là bước tiến rất lớn, góp phần để phương châm “có lên, có xuống, có vào, có ra” trong công tác cán bộ được triển khai sâu rộng, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương; để xu hướng đó trở thành một việc làm bình thường trong quá trình xây kết hợp với chống, vừa xây vừa chống nhuần nhuyễn, làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh. Đồng thời để “từ chức” và “văn hóa từ chức” khi đã có những hạn chế, khuyết điểm hay khi thấy năng lực công tác của mình không còn phù hợp với vị trí công tác được đảm nhiệm… dần trở thành một lựa chọn bình thường của 1 cán bộ trong giai đoạn mới khi mà Đảng ta đang đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và dương cao ngọn cờ xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Mặt khác đó là sự minh chứng thể hiện tính nhân văn trong công tác cán bộ của Đảng.

Như vậy, việc tự nguyện từ chức, cho thôi chức không còn là việc hô hào mà đã được quy định rất cụ thể và được tập trung chỉ đạo rất quyết liệt, nên tuyệt nhiên không phải là kết quả của “sự thanh trừng nội bộ”, “đấu đá lẫn nhau”,  “tranh giành phe cánh”.

Thứ hai, quyết tâm của Đảng và kết quả công tác phòng chống tham nhũngđã minh chứng điềm mà các đối tượng rêu rao là hoàn toàn vô căn cứ

Văn kiện Đại hội XIII đã đưa ra nhiều chủ trương và giải pháp căn cơ quyết liệt về phòng, chống tham nhũng: “Triển khai đồng bộ có hiệu quả quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, bảo đảm đúng pháp luật. Thực hiện quyết liệt nghiêm minh có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng”.

Một thực tế không thể phủ nhận, đó là kết quả công tác phòng chống tham nhũng đạt được trong thời gian qua không những được cán bộ, đảng viên và nhân dân ta ghi nhận, đánh giá cao mà còn khẳng định xây dựng, chỉnh đốn Đảng là vấn đề có tính nguyên tắc và mang tính chiến lược để Đảng ta có đủ sức mạnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam và đẩy mạnh chống tham nhũng để làm trong sạch Đảng và hệ thống chính trị.

           Trong Báo cáo tóm tắt tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 – 2022 đã nêu rõ: “Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã khởi tố, điều tra gần 4.200 vụ/7.572 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế (trong đó, các tội về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 455 vụ/1.054 bị can). Riêng Ban Chỉ đạo đã đưa 977 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ”. Trong đó phải kể đến như: Vụ hai cựu Chủ tịch Đà Nẵng bị truy tố vì để cho một cá nhân thâu tóm hàng loạt nhà đất công sản, gây thất thoát hàng chục nghìn tỷ đồng; vụ cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh bị khởi tố vì vi phạm quy định quản lý sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí, cựu Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế đã bị khởi tố bắt tạm giam vì vi phạm liên quan đến kit xét nghiệm COVID- 19; các vụ án liên quan đến “chuyến bay giải cứu”;  thao túng giá chứng khoán; vụ án liên quan Tân Hoàng Minh; vụ án liên quan Vạn Thịnh Phát; vụ án Công ty Cổ phần tiến bộ quốc tế (AIC)……Đây chỉ là những ví dụ trong hàng nghìn vụ án đã bị điều tra, truy tố, xét xử trong 10 năm qua. Hàng loạt cán bộ cấp cao của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, ở nhiều địa phương đã bị xử lý vì những vi phạm liên quan đến tham nhũng, tiêu cực. Rõ ràng, nguyên tắc không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai đã và đang được triệt để thực hiện trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam. Tuy nhiên, phủ nhận thực tế đó, không ít trang tin thiếu thiện chí với chế độ, những tổ chức phản động núp bóng dân chủ, nhân quyền và những phần tử bất đồng chính kiến vẫn ra rả luận điệu cũ, xuyên tạc công tác phòng chống tham nhũng của Đảng, là “thanh chừng nội bộ”, là “phe này đánh phe kia”.

Để chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam thì mọi khía cạnh trong xã hội đều có thể bị lợi dụng để xuyên tạc và phòng chống tham nhũng cũng không tránh khỏi. 10 năm qua Đảng ta đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng thì cũng chừng ấy năm luận điệu như vậy được tung ra, đặc biệt trên không gian mạng với mục đích không gì hơn là nhằm tạo ra những nghi kị giữa Đảng và người dân và ngay trong nội bộ những cán bộ, đảng viên với mục đích của cuộc chiến chống tham nhũng.

Thực tiễn cho thấy, những kết quả không thể phủ nhận trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam thời gian qua đã góp phần làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh; giúp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nhất là những người có chức, có quyền “tự soi”, “tự sửa”, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện cả về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống. Điều đó cũng làm cho các tổ chức Đảng, các cơ quan, đơn vị ngày càng vững mạnh, hoạt động hiệu quả. Do đó, những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam thời gian qua thể hiện rõ dã tâm chính trị muốn hạ thấp vai trò, uy tín lãnh đạo của Đảng; chia rẽ mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Chính nhờ làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đặc biệt là góp phần lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân, bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực xấu, thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là “đấu đá nội bộ”, “phe cánh”./.

Vũ Văn Chung, UVBTV, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Hoa Lư

Gọi điện thoại
Chat Zalo