Khẩn trương đưa Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vào cuộc sống

Ngày 10/12, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh Ninh Bình. Đây là một dấu mốc quan trọng, mở ra những cơ hội mới cho sự phát triển của tỉnh Ninh Bình.

Đường phố Ninh Bình rộng, thoáng, sạch, đẹp. Ảnh: Trường Giang

Nền tảng pháp lý tạo động lực mới cho sự phát triển của tỉnh

Tại phiên họp thứ 40 diễn ra vào sáng 10/12, với tỷ lệ 100% Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí thông qua dự thảo Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh Ninh Bình.

Theo đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị: Thành lập thành phố Hoa Lư trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của huyện Hoa Lư và toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của thành phố Ninh Bình. Thành lập, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc thành phố Hoa Lư trên cơ sở sắp xếp 11 đơn vị hành chính cấp xã để hình thành 4 phường và 2 xã mới. Gồm: Thành lập phường Vân Giang trên cơ sở nhập nguyên trạng phường Phúc Thành, phường Thanh Bình và phường Vân Giang. Phường Ninh Mỹ trên cơ sở nhập nguyên trạng xã Ninh Mỹ và thị trấn Thiên Tôn. Phường Ninh Phúc trên cơ sở nguyên trạng xã Ninh Phúc. Phường Ninh Giang trên cơ sở nguyên trạng xã Ninh Giang.

Thành lập xã Ninh Nhất trên cơ sở nhập nguyên trạng xã Ninh Xuân và xã Ninh Nhất. Xã Ninh Hải trên cơ sở nhập nguyên trạng xã Ninh Thắng và xã Ninh Hải. Sau khi sắp xếp, thành phố Hoa Lư có 20 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 12 phường: Bích Đào, Đông Thành, Nam Bình, Nam Thành, Ninh Giang, Ninh Khánh, Ninh Mỹ, Ninh Phong, Ninh Phúc, Ninh Sơn, Tân Thành, Vân Giang và 8 xã: Ninh An, Ninh Hải, Ninh Hòa, Ninh Khang, Ninh Nhất, Ninh Tiến, Ninh Vân, Trường Yên.

Nghị quyết cũng quy định cụ thể về sắp xếp đơn vị hành chính thuộc tỉnh Ninh Bình. Theo đó, sau khi sắp xếp, tỉnh Ninh Bình có 7 đơn vị hành chính cấp huyện (giảm 1 đơn vị so với trước khi sắp xếp) và 125 đơn vị hành chính cấp xã (giảm 18 đơn vị), gồm 101 xã, 18 phường và 6 thị trấn.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng quyết định giải thể Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân huyện Hoa Lư và Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Ninh Bình; thành lập Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hoa Lư, Toà án nhân dân thành phố Hoa Lư.

Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hoa Lư, có trách nhiệm kế thừa nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân huyện Hoa Lư và Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Ninh Bình theo quy định của pháp luật. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ có liên quan và chính quyền tỉnh Ninh Bình tiếp tục rà soát, thống kê cụ thể số lượng các đơn vị hành chính thuộc diện phải sắp xếp mà chưa thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025, xây dựng phương án và lộ trình hoàn thiện các tiêu chuẩn, điều kiện cần thiết để bảo đảm thực hiện sắp xếp trong những năm tiếp theo theo đúng quy định.

Một trong những điểm nổi bật của Nghị quyết mà Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa thông qua, đó chính là việc nhập nguyên trạng huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình để thành lập thành phố Hoa Lư là đô thị loại I trực thuộc tỉnh.

Theo đó, thành phố Hoa Lư nằm trọn trong không gian Cố đô Hoa Lư xưa, có giá trị đặc biệt trong hệ thống đô thị di sản của cả nước và mạng lưới thành phố sở hữu danh hiệu UNESCO. Không chỉ là trung tâm chính trị-kinh tế-văn hóa của tỉnh Ninh Bình, địa bàn chuyển tiếp giữa 3 vùng đồng bằng Sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Tây Bắc, thành phố Hoa Lư còn đóng vai trò một trung tâm chuyên ngành về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản, tổ chức sự kiện, hậu cần sinh thái của vùng và quốc gia. Thành phố có tổng diện tích tự nhiên 150,24 km2; quy mô dân số 238.209 người, bao chứa gần như toàn bộ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể Danh thắng Tràng An và Cố đô Hoa Lư.

Việc thành lập thành phố Hoa Lư cũng sẽ tạo điều kiện cho hồi sinh di sản đô thị Cố đô, phát triển thành một trung tâm du lịch, kinh tế di sản, công nghiệp văn hóa, giải trí của vùng và đất nước, xây dựng một nền kinh tế xanh, sáng tạo, bền vững dựa trên tài nguyên di sản. Với quy hoạch đô thị mới, Ninh Bình cũng sẽ có cơ hội xây dựng các khu đô thị hiện đại, hạ tầng đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển.

Cùng với đó, việc thực hiện Nghị quyết sẽ tạo điều kiện để tỉnh tập trung đầu tư vào các khu vực trọng điểm du lịch, từ đó giúp khai thác tối đa tiềm năng của ngành Du lịch, tạo ra nhiều việc làm và tăng thu nhập. Quá trình thực hiện Nghị quyết sẽ góp phần tinh gọn bộ máy hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giúp nâng cao hiệu quả làm việc, phục vụ người dân tốt hơn…

Phát biểu tại phiên họp, đồng chí Nguyễn Khắc Định, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao sự quyết tâm, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền tỉnh Ninh Bình trong việc quán triệt và triển khai thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, giai đoạn 2023-2025. Đồng thời khẳng định, Nghị quyết được thông qua sau khi đã được các bộ, ngành, Chính phủ và các cơ quan hữu quan thảo luận, xem xét nhiều mặt, thẩm tra kỹ lưỡng; việc thành lập thành phố Hoa Lư, điều chỉnh địa giới hành chính các đơn vị cấp huyện và cấp xã trên địa bàn tỉnh Ninh Bình là một quyết định quan trọng, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới không chỉ của tỉnh Ninh Bình mà còn của cả đất nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng bày tỏ tin tưởng, với quyết tâm cao, sự chuẩn bị chu đáo của cấp uỷ, chính quyền, sự hỗ trợ tích cực của Trung ương và sự đồng thuận của người dân, Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ sớm đi vào cuộc sống, góp phần xây dựng tỉnh Ninh Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Chung sức, đồng lòng hiện thực hóa Nghị quyết

Có thể nói, việc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua dự thảo Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2023-2025 sẽ mở ra giai đoạn phát triển mới, tạo cơ hội để tỉnh Ninh Bình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính gắn với cơ cấu lại đô thị, mở rộng không gian phát triển.

Đây là việc cần thiết, là xu hướng khách quan phát triển các đô thị theo chức năng. Đây cũng là nguyện vọng tha thiết của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân, để thành phố Hoa Lư khẳng định đầy đủ vai trò là đô thị trung tâm tỉnh Ninh Bình, đô thị trung tâm chuyên ngành của vùng và đất nước về du lịch, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, kinh tế di sản, tổ chức sự kiện, hậu cần sinh thái gắn liền với mô hình đô thị di sản, đô thị xanh, thông minh, sáng tạo, xứng tầm với vị thế của Đế đô Hoa Lư – Đế đô đầu tiên mở ra một thời đại mới trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc. Đón nhận tin vui này, nhiều người dân bày tỏ niềm vui, tự hào và kỳ vọng vào một tương lai tươi sáng của quê hương, đất nước.

Ông Phạm Văn Lượng, cử tri phường Nam Bình (thành phố Ninh Bình) phấn khởi cho biết: Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến đời sống của Nhân dân, Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội được ban hành đã một lần nữa khẳng định điều đó. Tôi rất vui mừng, phấn khởi khi thành phố Hoa Lư sẽ chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2025, bởi mong muốn của người dân về một đô thị xứng tầm với vai trò là đô thị hạt nhân của tỉnh đang dần hiện hữu. Tôi tin rằng từ đây thành phố mới sẽ có cơ hội để đầu tư cơ sở hạ tầng, mở rộng không gian phát triển, thu hút đầu tư, tạo việc làm cho nhiều lao động và cuộc sống của người dân ngày càng tốt đẹp hơn.

Theo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội: Kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, tỉnh Ninh Bình có 7 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 5 huyện v 2 thnh ph; 125 đơn vị hành chính cấp xã. Tuy nhiên, để triển khai thực hiện Nghị quyết, bên cạnh những thuận lợi là cơ bản cũng sẽ không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc, những thách thức nhất định.

Trong đó, việc giải quyết số cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính là một trong những khó khăn. Theo Đề án của UBND tỉnh, sau khi sắp xếp hợp nhất huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình để thành lập thành phố Hoa Lư, tổng số công chức cấp huyện dôi dư 60 người (17 cán bộ, 29 công chức, 14 viên chức).

Sau sắp xếp, bố trí tại 16 đơn vị hành chính cấp xã mới, tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư là 369 người. Để giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh dự kiến sẽ bố trí 60 cán bộ công chức cấp huyện công tác tại các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh (trong số biên chế đã được cấp có thẩm quyền giao).

Đối với cán bộ, công chức, viên chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách dôi dư sẽ được bố trí lộ trình giải quyết trong 5 năm. Cùng với việc xây dựng phương án bố trí, giải quyết cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính, tỉnh Ninh Bình cũng đã xây dựng phương án sử dụng tài sản công.

Hiện nay, tổng số trụ sở công tại 2 đơn vị hành chính cấp huyện, 34 đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp là 242 trụ sở. Sau sắp xếp sẽ dôi dư 26 trụ sở công. UBND tỉnh cũng đã xây dựng phương án giải quyết trụ sở công dôi dư theo quy định, bảo đảm hoàn thành trong thời hạn 3 năm.

Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội được ban hành có ý nghĩa quan trọng, mở ra giai đoạn phát triển mới của tỉnh Ninh Bình nói chung và thành phố Hoa Lư nói riêng. Để đưa Nghị quyết vào cuộc sống sẽ còn rất nhiều việc phải làm, song với sự đồng thuận của mỗi cán bộ, đảng viên cùng sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và Nhân dân trong việc thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính là yếu tố quan trọng, là nguồn sức mạnh để hiện thực hoá mục tiêu của Nghị quyết, tạo tiền đề đưa Ninh Bình phát triển mạnh mẽ, xứng đáng với truyền thống lịch sử và tiềm năng phát triển của quê hương.

Nguồn: Báo Ninh Bình

Gọi điện thoại
Chat Zalo