Lần thứ hai Bác Hồ về thăm Ninh Bình (10/2/1947)

Đầu tháng 02/1947, giữa lúc cuộc kháng chiến, kiến quốc, chống thực dân Pháp của nhân dân ta đang diễn cam go, quyết liệt; để kêu gọi toàn dân ủng hộ kháng chiến, Bộ Canh nông tổ chức Hội nghị điền chủ toàn tỉnh Ninh Bình tại huyện Nho Quan. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về dự và chủ trì Hội nghị.

Ảnh: Bác Hồ chụp ảnh cùng các đại biểu dự Hội nghị điền chủ ngày 10/2/1947
Ngày 10/02/1947, Hội nghị điền chủ toàn tỉnh Ninh Bình diễn ra tại nhà của ông Quách Đình Hy ở thôn Sào Thượng, xã Lạng Phong, huyện Nho Quan. Hội nghị bàn về việc tăng gia sản xuất, giúp đỡ đồng bào tản cư, di cư và vấn đề ủng hộ Chính phủ kháng chiến. Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rõ: Kháng chiến và kiến quốc mới nghe thì tưởng như mâu thuẫn. Thực ra không phải, kháng chiến là để kiến quốc, là để xây dựng một nước Việt Nam tự do, độc lập. Nhưng muốn kháng chiến thắng lợi thì phải trường kỳ kháng chiến, muốn trường kỳ kháng chiến thì phải tăng gia sản xuất và giúp đỡ đồng bào tản cư. Lúc này, “nước nhà trên hết, dân tộc trên hết, kháng chiến thắng lợi trên hết”. Người giải thích một cách cặn kẽ, vì sao đồng bào ta phải tản cư? Trước hết là an toàn, của cải cũng được an toàn, về tinh thần ta hy sinh đi còn hơn ở lại chịu nhục với Pháp. Trong lúc này, phải nêu cao nghĩa đồng bào, tình dân tộc. Người có ăn, có mặc phải giúp đỡ đồng bào không có. Nhưng để tản cư lâu dài, chẳng những giúp cho đồng bào có cơm ăn, chỗ ở, mà còn phải giúp đồng bào việc làm để sinh sống, vì ta phải trường kỳ kháng chiến. Thêm nhiều người ăn, người làm, ta phải tăng gia sản xuất. Đó là bổn phận của đồng bào hậu phương. Người chỉ rõ, đồng bào tản cư, di cư đã vì lòng yêu nước không chịu theo giặc, tiêu thổ kháng chiến, hy sinh nhà cửa, tài sản quê hương sơ tán về hậu phương để tiếp tục kháng chiến chống giặc xâm lược. Đồng bào ở địa phương có nhiệm vụ ân cần đón tiếp, chăm sóc, giúp đỡ bà con nhanh chóng có nơi ăn, ở, sản xuất. Muốn làm được việc này ta phải có kế hoạch cụ thể, chu đáo đến từng nhà, từng người. Ta phải đồng tâm hiệp lực giúp đỡ nhau. Các kỹ nghệ gia, thương gia, nông gia đều phải giúp vào việc này và phải giúp đỡ nhau để phát triển. Người mong muốn cán bộ tỉnh Ninh Bình, huyện Nho Quan, các điền chủ và nhân dân Ninh Bình hết sức cố gắng vào công việc này, sao cho Ninh Bình là một tỉnh kiểu mẫu cho các tỉnh noi theo.
Sau Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm Tu viện Châu Sơn, nơi xin nhận 120 đồng bào tản cư đến ở. Tại đây, Người thăm nhà thờ lớn, khu tu hành. Từ linh mục đến các tu sĩ, người phục vụ đều hân hoan đón chào Người và đều hứa với Người sẽ tận tâm giúp đỡ đồng bào tản cư.
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đến hết tháng 4/1947, Ninh Bình đã đón nhận gần 4 vạn đồng bào tản cư. Đồng bào đến ở đều được bố trí nhà ở, lương thực để ăn và các cơ sở, điều kiện để lao động sản xuất. Tỉnh ủy và Ủy ban hành chính tỉnh đã mở nhiều cuộc quyên góp, giúp đỡ đồng bào tản cư. Nhân dân trong tỉnh đã đóng góp 3 vạn đồng, trợ giúp những người tản cư gặp khó khăn nhất. Trải qua 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Ninh Bình có thời gian dài nửa tỉnh là hậu phương, nửa tỉnh là tiền tuyến. Nhiều năm chiến sự diễn ra ác liệt, nhưng đồng bào tản cư, các cơ quan đảng, chính quyền, các công binh xưởng, bệnh viện của tỉnh bạn và Liên khu 3 vẫn được bảo vệ an toàn, góp phần tăng cường tiềm lực cho cuộc trường kỳ kháng chiến thắng lợi.

Gọi điện thoại
Chat Zalo