Lần thứ tư Bác Hồ về thăm Ninh Bình (18/10/1959)

Trong không khí vui mừng trước thắng lợi vụ Đông – Xuân năm 1958 – 1959 và vụ mùa năm 1959, Tỉnh ủy, Uỷ ban hành chính tỉnh Ninh Bình tổ chức Hội nghị toàn tỉnh bàn về sản xuất vụ Đông – Xuân năm 1959 – 1960, từ ngày 17 đến ngày 19/10/1959. Buổi sáng ngày 18/10/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về dự và có bài nói chuyện với hơn 1.300 đại biểu tại Hội nghị. Đây là lần thứ tư Bác Hồ về thăm Ninh Bình và là lần thứ hai trong năm 1959.

Ảnh: Bác Hồ nói chuyện tại Hội nghị sản xuất Đông Xuân tỉnh Ninh Bình,
ngày 18/10/1959
Mở đầu Hội nghị, Người nói: “Bác thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ đến hỏi thăm và nói chuyện với các cô, các chú về vụ sản xuất Đông – Xuân 1959 – 1960”. Tiếp đó, Người biểu dương, khen ngợi cán bộ và nhân dân tỉnh Ninh Bình có nhiều thành tích trong vụ sản xuất Đông – Xuân năm 1958 – 1959, đã tích cực chống hạn cứu lúa, biết giữ nước và sản xuất khá. Đồng thời, Người chỉ rõ: “Vụ Đông – Xuân năm ngoái chỉ lo làm lúa, còn hoa màu, cây công nghiệp và chăn nuôi chưa được chú ý, như thế là khuyết điểm lớn, trong vụ này cần phải sửa chữa”.
Nói chuyện tại Hội nghị, Người lưu ý các đại biểu bài học kinh nghiệm làm vụ Đông – Xuân vừa qua là: “Phải đi đúng đường lối quần chúng trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch, phải biến quyết tâm của Đảng, của Chính phủ, thành quyết tâm của toàn thể cán bộ và quần chúng thì dù khó khăn mấy nhất định cũng khắc phục được và vụ Đông – Xuân nhất định sẽ tốt”. Đồng thời, Người nhắc nhở những công việc trước mắt mà bà con nông dân Ninh Bình phải làm là “thu hoạch vụ mùa nhanh, gọn, tốt, không để rơi vãi, vì mỗi hạt thóc đều là công lao khó nhọc của đồng bào; đồng thời, phải chuẩn bị tốt vụ Đông – Xuân sắp tới”.
Người tóm tắt 8 khâu liên hoàn cần thực hiện để đảm bảo vụ Đông – Xuân giành được thắng lợi vượt bậc trong mấy câu thơ:
“Nước phải đủ, phân phải nhiều,
Cày sâu, giống tốt, cấy đều dảnh hơn.
Trừ sâu, diệt chuột chớ quên,
Cải tiến nông cụ, là nền nhà nông.
Ruộng nương quản lý ra công,
Tám điều đầy đủ, thóc bông đầy bồ”.
Người phân tích về hai con đường làm ăn tập thể và riêng lẻ, chỉ rõ: “Cần phải nêu cao tính chất hơn hẳn của hợp tác xã bằng những kết quả thiết thực là làm cho thu nhập của xã viên được tăng thêm, làm cho xã viên sau khi vào hợp tác xã
thu hoạch nhiều hơn hẳn khi còn ở ngoài. Như thế thì xã viên sẽ phấn khởi, sẽ gắn bó chặt chẽ với hợp tác xã của mình”.
Cuối buổi nói chuyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân tỉnh Ninh Bình: “Phải đoàn kết toàn dân, đoàn kết trong Đảng và ngoài Đảng, đoàn kết lương giáo, v.v.. Đoàn kết chặt chẽ để thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà.
Mặt khác, phải thường xuyên củng cố tổ chức, phải phát triển Đảng và Đoàn Thanh niên Lao động một cách tích cực và vững chắc. Cán bộ, đảng viên, đoàn viên phải xung phong gương mẫu trong mọi việc”.
Trước khi ra về, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao lại cho lãnh đạo tỉnh 5 chiếc Huy hiệu của Người để làm phần thưởng cho những cá nhân có thành tích xuất sắc trong sản xuất vụ Đông – Xuân năm 1959 – 1960.
Thấm nhuần lời dạy của Bác, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Ninh Bình ra sức phấn đấu, nỗ lực, đoàn kết thực hiện kế hoạch 3 năm phát triển kinh tế, văn hóa và cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các thành phần kinh tế cá thể (1958 – 1960). Cả tỉnh dấy lên phong trào thi đua lao động sản xuất sôi nổi. Ở nông thôn, phong trào “Ba ngọn cờ hồng” xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã mua bán, hợp tác xã tín dụng được đẩy mạnh. Các hợp tác xã này đã góp phần hỗ trợ đắc lực cho phát triển kinh tế và phục vụ đời sống nhân dân. Đến hết năm 1960, tỉnh Ninh Bình căn bản hoàn thành cuộc vận động hợp tác hóa nông nghiệp. Trong nông nghiệp, phong trào thủy lợi hóa và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã góp phần đem đến thắng lợi cho vụ Đông – Xuân năm 1959 – 1960 và vụ mùa năm 1960 cả về diện tích, năng suất và sản lượng lương thực. Các hoạt động văn hóa – xã hội có nhiều tiến bộ. Năm 1960, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Ninh Bình và 54 xã được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Lao động và Bằng khen về thành tích thanh toán nạn mù chữ. Những kết quả đạt được góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tạo ra không khí vui tươi, phấn khởi và động lực để quân và dân tỉnh Ninh Bình tích cực hơn nữa trong các phong trào thi đua lao động sản xuất, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, quyết tâm chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu.

Gọi điện thoại
Chat Zalo