Nội dung Bài nói chuyện của Bác với Đảng bộ nhân dân Ninh Bình khi Người về thăm tỉnh lần thứ tư, tại Hội nghị sản xuất Đông Xuân

Bác thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ đến hỏi thăm và nói chuyện với các cô, các chú về vụ Đông – Xuân 1959 – 1960. Trước hết, các cô các chú đã rút được kinh nghiệm gì trong vụ Đông – Xuân qua? Kinh nghiệm chung cả vụ Đông – Xuân năm ngoái là gì? Là phải đi đúng đường lối quần chúng. Vụ Đông – Xuân năm ngoái, tỉnh Ninh Bình đặt mức thu hoạch ba tấn một mẫu tây, nhưng khi thu hoạch chỉ đạt gần hai tấn. Đó là vì cán bộ chủ quan, chưa điều tra nghiên cứu kỹ, chưa bàn bạc kỹ với quần chúng, chưa đi đúng đường lối quần chúng. Mức đặt ra chưa phải từ ở dưới lên, mà ở trên dội xuống. Khuyết điểm đó chính là do cán bộ còn quan liêu, mệnh lệnh
Vụ Đông – Xuân năm ngoái chỉ lo làm lúa, còn hoa màu, cây công nghiệp và chăn nuôi chưa được chú ý, như thế là khuyết điểm lớn, trong vụ này cần phải sửa chữa.
Công tác trước mắt là phải động viên bà con nông dân thu hoạch vụ mùa nhanh, gọn, tốt, không để rơi vãi, vì mỗi hạt thóc đều là công lao khó nhọc của đồng bào; đồng thời phải chuẩn bị tốt vụ Đông – Xuân sắp tới.
Phải đi đúng đường lối quần chúng trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch, phải biến quyết tâm của Đảng, của Chính phủ, thành quyết tâm của toàn thể cán bộ và quần chúng thì dù khó khăn mấy nhất định cũng khắc phục được và vụ Đông – Xuân nhất định sẽ tốt. Muốn sản xuất vụ Đông – Xuân này tốt thì phải nhớ kỹ và làm đúng tám điều sau đây:
Nước phải đủ, phân phải nhiều,
Cày sâu, giống tốt, cấy đều dảnh hơn.
Trừ sâu, diệt chuột chớ quên,
Cải tiến nông cụ, là nền nhà nông.
Ruộng nương quản lý ra công,
Tám điều đầy đủ, thóc bông đầy bồ.
Có hai con đường làm ăn tập thể và riêng lẻ thì cũng có hai tư tưởng: tư tưởng xã hội chủ nghĩa và tư tưởng cá nhân chủ nghĩa. Chí công vô tư, coi hợp tác xã như nhà mình là tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Tự tư tự lợi, chỉ nghĩ đến lợi riêng của mình, không chăm lo việc chung của hợp tác xã, là cá nhân chủ nghĩa. Hai tư tưởng đó đấu tranh với nhau. Tư tưởng xã hội chủ nghĩa có đánh thắng tư tưởng cá nhân chủ nghĩa thì hợp tác xã mới phát triển tốt, mới đạt được nhiều thành tích.
Tổ đổi công và hợp tác xã phát triển cái nào phải củng cố thật tốt cái ấy.
Cần phải nêu cao tính chất hơn hẳn của hợp tác xã bằng những kết quả thiết thực là làm cho thu nhập của xã viên được tăng thêm, làm cho xã viên sau khi vào hợp tác xã thu hoạch nhiều hơn hẳn khi còn ở ngoài. Như thế thì xã viên sẽ phấn khởi, sẽ gắn bó chặt chẽ với hợp tác xã của mình. Đó là phương pháp tuyên truyền thuyết phục tốt nhất để khuyến khích nông dân vào hợp tác xã.
Để thực hiện tốt những điều kể trên, phải đoàn kết toàn dân, đoàn kết trong Đảng và ngoài Đảng, đoàn kết lương giáo, v.v.. Đoàn kết chặt chẽ để thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà.
Mặt khác, phải thường xuyên củng cố tổ chức, phải phát triển Đảng và Đoàn Thanh niên Lao động một cách tích cực và vững chắc. Cán bộ, đảng viên, đoàn viên phải xung phong gương mẫu trong mọi việc.
Với lực lượng hơn 86.000 nông hộ (trong số gần 88.900 nông hộ trong toàn tỉnh) đã được tổ chức vào hợp tác xã và tổ đổi công, nếu đoàn kết tốt, quản lý tốt, tổ chức tốt, tỉnh Ninh Bình sẽ thực hiện được kế hoạch sản xuất Đông – Xuân 1959 – 1960 thắng lợi, toàn diện, vượt bậc và vững chắc.
Minh Yến – Huyện đoàn

Gọi điện thoại
Chat Zalo