Thành lập thành phố Hoa Lư: Sự kiện đặc biệt quan trọng, bước đột phá để phát triển kinh tế-xã hội

Tại phiên họp thứ 40, ngày 10/12, với 100% thành viên có mặt tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023-2025, trong đó có thành lập thành phố Hoa Lư mới.


Một góc thành phố Ninh Bình nhìn từ trên cao. Ảnh: Ngọc Linh

Nỗ lực và quyết tâm cao
Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mang tính quyết định và là bước đột phá để phát triển kinh tế-xã hội, phát huy các tiềm năng, các giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương, là động lực phát triển kinh tế của tỉnh; đồng thời đáp ứng nguyện vọng chính đáng của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Ninh Bình.

Tỉnh Ninh Bình nằm ở cực Nam của đồng bằng Bắc Bộ, điểm kết nối, giao thoa, chuyển tiếp liên vùng giữa vùng đồng bằng châu thổ Sông Hồng, vùng rừng núi Tây Bắc và vùng duyên hải Bắc Trung Bộ; cũng là “Cửa ngõ phía Nam của Nền văn minh sông Hồng”, giữ vị trí trọng yếu, quan trọng về quốc phòng-an ninh trong thế trận phòng thủ chung của Quân khu 3 và cả nước; đồng thời có những giá trị đặc biệt riêng có về địa lý, văn hóa-lịch sử, sinh thái tự nhiên và truyền thống cách mạng. Hơn 30 nghìn năm trước, Ninh Bình là nơi được người tiền sử chọn làm địa bàn tụ cư, sinh sống.

Thế kỷ thứ X, Hoa Lư được chọn làm Kinh đô của Nhà nước Đại Cồ Việt-Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử dân tộc. Đặc biệt, đến thời điểm này, Ninh Bình là địa phương duy nhất của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á sở hữu “Di sản kép” Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. Trải qua hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc, vùng đất Ninh Bình luôn là địa bàn chiến lược, ghi dấu những cuộc trường chinh vào Nam, ra Bắc để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của người Việt.

Trải qua gần 40 năm đổi mới của đất nước và hơn 32 năm tái lập dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, đặc biệt là sự chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong những lần về thăm tỉnh Ninh Bình; sự hướng dẫn, ủng hộ của các bộ, ngành Trung ương, Đảng bộ, Chính quyền, quân và dân tỉnh Ninh Bình đã kịp thời nắm bắt thời cơ, chủ động thực hiện những quyết sách chiến lược có tầm nhìn dài hạn, từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện cả về kinh tế-văn hóaxã hội; đặc biệt là có sự cân bằng, hài hòa giữa các vùng miền, giữa đô thị và vùng nông thôn, giữa các khu vực miền núi, đồng bằng và ven biển.

Trên cơ sở sớm nhận diện được những tiềm năng, lợi thế nổi trội riêng có, tỉnh Ninh Bình đã xác định đúng và trúng các bước đi phù hợp với từng giai đoạn phát triển của địa phương và đất nước, đạt được những kết quả rất đáng tự hào: Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được triển khai đồng bộ, toàn diện. Kinh tế liên tục tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Kinh tế-xã hội phát triển toàn diện, bước đầu một số ngành, lĩnh vực đã định hình, xác lập trở thành trung tâm của vùng, tiểu vùng và quốc gia về sản xuất lắp ráp ô tô, du lịch, chế biến rau quả xuất khẩu và tổ chức sự kiện…; năm 2022, là tỉnh tự cân đối về ngân sách và có điều tiết về ngân sách Trung ương; năm 2023 thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 11/63 tỉnh, thành phố cả nước.

Ninh Bình đã và đang tập trung thực hiện nhất quán, hiệu quả định hướng phát triển “Xanh và bền vững”, lấy bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá-lịch sử cùng truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô làm nguồn lực và động lực phát triển; bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và chăm lo đời sống Nhân dân, phát triển toàn diện và hài hòa giữa các vùng; hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Với những thành công trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị Di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, Tổng Giám đốc UNESCO và Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO ghi nhận Ninh Bình là một trong những mô hình mẫu mực, tiêu biểu nhất trên thế giới về sự kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững, đảm bảo hài hòa lợi ích của Người dân; đồng thời thể hiện sự đồng tình ủng hộ và đánh giá cao các mục tiêu, tầm nhìn, định hướng phát triển của tỉnh Ninh Bình, tin tưởng Ninh Bình hoàn toàn có cơ sở để trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ, nơi truyền cảm hứng cho những ý tưởng đổi mới, sáng tạo trên thế giới.

Có được kết quả toàn diện quan trọng nêu trên, một trong những nguyên nhân hết sức quan trọng chính là sự phù hợp về cơ cấu lãnh thổ của các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; đảm bảo được các yếu tố đặc thù về lịch sử, văn hóa, tôn giáo, quốc phòng, an ninh ổn định chính trị, ứng phó với các tình huống thiên tai khẩn cấp trên địa bàn.

Khơi nguồn khát vọng mới
Bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, việc thực hiện “cuộc cách mạng” về sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo hướng “Tinh-Gọn-Mạnh-Hiệu năng -Hiệu lực-Hiệu quả” trong hệ thống chính trị là một một nhiệm vụ hàng đầu được chỉ đạo trực tiếp, quyết liệt từ Tổng Bí thư Tô Lâm.

Thực hiện nhiệm vụ này, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết để lãnh đạo, chỉ đạo; Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nhiều lần thảo luận, phân tích rất kỹ lưỡng và thống nhất chỉ đạo. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã hoàn thiện Phương án tổng thể báo cáo cấp có thẩm quyền làm cơ sở để xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2023-2025. Đây là đợt sắp xếp ĐVHC có quy mô, tính chất lớn nhất từ trước đến nay, với Đề án này, có tới 7/8 ĐVHC cấp huyện (chiếm 87,5%) phải thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã trực thuộc; có 32/143 ĐVHC cấp xã phải thực hiện sắp xếp, chiếm gần 1/3 tổng số ĐVHC cấp xã trên địa bàn tỉnh; số cán bộ công chức cấp xã dôi dư chiếm tới gần 15% tổng số cán bộ công chức cấp xã toàn tỉnh.

Việc sắp xếp ĐVHC của tỉnh đã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị mới của tỉnh được đề ra tại Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định mục tiêu phát triển tỉnh Ninh Bình trở thành một trong những tỉnh phát triển toàn diện, nhanh và bền vững của vùng đồng bằng Sông Hồng; phát triển đô thị và nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo, là một trong những trung tâm du lịch cấp quốc gia, mang tầm quốc tế và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035.

Đồng thời, tại Quy hoạch tỉnh cũng định hướng rõ đến năm 2025, hoàn thành sắp xếp đối với ĐVHC cấp huyện, cấp xã theo quy định gắn với cơ cấu lại không gian, địa giới hành chính phục vụ phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn mới, tạo đột phá, động lực cho việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó, thực hiện việc thành lập thành phố Hoa Lư trên cơ sở nhập thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư, đồng thời sắp xếp ĐVHC cấp xã, thành lập các phường trực thuộc, gắn với định hình tính chất ĐVHC thành phố sau khi thành lập mới là “Đô thị di sản thiên niên kỷ”.

Với việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã của tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023 – 2025, trong đó có thành lập thành phố Hoa Lư mới, là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mang tính quyết định và là bước đột phá để phát triển kinh tế-xã hội, phát huy các tiềm năng, các giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương, là động lực phát triển kinh tế của tỉnh; đồng thời đáp ứng nguyện vọng chính đáng của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Sau sắp xếp, Ninh Bình đã giảm 1 đơn vị hành chính cấp huyện và giảm 18 đơn vị hành chính cấp xã. Hiện tỉnh Ninh Bình có 7 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 5 huyện và 2 thành phố; 125 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 101 xã, 18 phường và 6 thị trấn.

Nghị quyết cũng thông qua việc thành lập thành phố Hoa Lư trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên là 103,49 km2 , quy mô dân số là 83.613 người của huyện Hoa Lư và toàn bộ diện tích tự nhiên là 46,75km2 , quy mô dân số là 154.596 người của thành phố Ninh Bình. Sau khi thành lập, thành phố Hoa Lư có diện tích tự nhiên là 150,24 km2, quy mô dân số là 238.209 người và có 25 đơn vị hành chính cấp xã (13 xã, 11 phường và 1 thị trấn). Việc hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư thành thành phố Hoa Lư đã thể hiện sự thống nhất, quyết tâm, kiên trì của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Ninh Bình trong nhiều nhiệm kỳ.

Đây là kết quả của quá trình nghiên cứu thấu đáo, sự thống nhất, đồng lòng, quyết tâm và nỗ lực của các cấp, các ngành và Nhân dân toàn tỉnh trong quá trình quy hoạch, xây dựng, phát triển đô thị gắn với gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá, lịch sử, con người, vùng đất Cố đô, giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới được UNESCO ghi danh; góp phần tăng tính kết nối vùng, liên vùng để Ninh Bình liên kết mạnh mẽ với mạng lưới đô thị trong toàn quốc, hội nhập vào các đô thị di sản của UNESCO; là tiền đề, hạt nhân lan tỏa để tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình đô thị hóa theo đặc trưng riêng; tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy quá trình xây dựng Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo vào năm 2035.

Có thể khẳng định, cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý đã có, tiềm năng, định hướng phát triển đã được xác định, giải pháp đã rõ, vấn đề còn lại mang tính quyết định đó là tổ chức thực hiện hiệu quả với tư duy, tính năng động, sáng tạo, quyết tâm chính trị và trách nhiệm của Đảng bộ, Chính quyền, quân và dân Ninh Bình, huy động trí tuệ, sức mạnh của con người Ninh Bình cho sự phát triển.

Bước sang kỷ nguyên mới, tỉnh Ninh Bình cần mạnh dạn đổi mới, “giải phóng chính mình”, giải phóng tư duy, nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách, tổ chức đấu thầu quản lý, khai thác các di sản để đẩy mạnh hợp tác công tư, phát huy tối đa sức mạnh của Nhân dân, của doanh nghiệp.
Nguồn: Baoninhbinh

Gọi điện thoại
Chat Zalo